Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc giúp kết nối hai tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng lại với nhau có tổng chiều dài 66km vừa đề xuất mới mức đầu tư khủng khoảng 17.200 tỷ đồng và được xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Hãy cùng Sky Invest tìm hiểu thêm về tuyến cao tốc này nhé.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (hợp phần của dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương), nối hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Dự thảo báo cáo về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cập nhật lại, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có điểm đầu tại Km60+100 (trùng với điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao QL20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Điểm cuối dự án tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương) giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Chiều dài toàn tuyến giảm từ 67 km (đi qua Đồng Nai 11 km, tỉnh Lâm Đồng 56 km) xuống còn 66 km (đi qua tỉnh Đồng Nai 11 km, qua tỉnh Lâm Đồng 55 km).
Dự án được phân kỳ đầu tư; trong đó, giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ bề rộng nền đường 13,5m với 02 làn xe thành 17m với 04 làn xe. Các đoạn dừng xe khẩn bố trí không liên tục mà bố trí với khoảng cách 4 – 5 km/vị trí để bảo đảm trong khoảng thời gian từ 3 – 5 phút nếu có sự cố, xe có thể di chuyển đúng tốc độ 80 km/h đến điểm dừng khẩn cấp.
Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư hoàn thiện với quy mô theo quy hoạch với bền rộng nền đường 22 m gồm 04 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.
Với quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được cập nhật lại theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc – thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng cùng sự tham khảo suất đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong, Trung Lương – Mỹ Thuận, suất vốn đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được đề xuất khoảng 17.200 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư được đề xuất trước đó, tổng mức đề xuất lần này cao hơn gần 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tờ trình gửi Hội đồng thẩm định liên ngành của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ngày 04/3/2021, tổng mức được đề xuất là 16.406 tỷ đồng. Sau đó, tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6/2022, đã đề xuất vốn đầu tư cho dự án là 16.220 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng như sau: Vốn ngân sách 6.500 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương của Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn huy động dự ước 9.100 tỷ đồng.
Trong vốn ngân sách 6.500 tỷ đồng nói trên, khoảng 1.222 tỷ đồng dùng cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án; còn lại chi cho hỗ trợ xây dựng công trình, làm hạ tầng…
Dự án sẽ thực hiện GPMB theo quy mô hoàn chỉnh. Tổng nhu cầu sử dụng đất dự án dự kiến khoảng 455 ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha). Trong đó, diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là hơn 186 ha; không có đất rừng đặc dụng, còn lại là diện tích đất chiếm dụng (đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất xây dựng đô thị dự kiến…).
Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trong niên hạn 2022 – 2025 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4497/UBND-GT ngày 22/6/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, dự án hợp phần cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác PPP, giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan thẩm quyền, tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phối hợp với ủy ban nhân dân các địa phương liên quan phấn đấu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.