Tranh chấp đất đai là việc hòa giải những mâu thuẫn và bất đồng giữa các bên để tìm ra các phương pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai. Hiện nay, tính chất của mỗi vụ kiện ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Để giúp quý khách hàng có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề trên, trong bài viết này Sky Invest đã tổng hợp các thông tin quan trọng về tranh chấp đất đai. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Tranh chấp đất đai là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về khái niệm tranh chấp đất đai cụ thể như sau:
“24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Theo đó, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Đối với khái niệm tại Điều trên thì tranh chấp đất đai có phạm vi rất rộng. Cụ thể rằng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai.
Trường hợp với phạm vi rộng như vậy sẽ rất khó trong việc áp dụng pháp luật, nhất là khi khởi kiện tranh chấp đất đai.
Theo đó, cần xác định tranh chấp đất đai với phạm vi hẹp hơn. Cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định cụ thể rằng:
- Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Sự khác biệt giữa tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai
Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau hoặc nhầm tưởng chúng là một. Tuy nhiên, đây là hai phạm trù khác biệt và cần được phân biệt rõ ràng. Vì chúng có thủ tục, trình tự và cơ quan giữ thẩm quyền giải quyết khác nhau.
Không giống như tranh chấp đất đai, tranh chấp liên quan đến đất đai là về việc giao dịch quyền sử dụng đất. Chẳng hạn như chuyển nhượng, cho tặng hoặc trao quyền thừa kế. Ngoài ra, các trường hợp liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn cũng được tính vào mục tranh chấp liên quan đến đất đai.
Khi có tranh chấp, các vụ án về tranh chấp liên quan đến đất đai có quyền khởi kiện ngay tại Tòa án. Thay vì phải bắt buộc thông qua bước hòa giải trung gian như tranh chấp đất đai. Điều đó có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai chỉ có Tòa án. Không giống như bên tranh chấp đất đai có thêm các đơn vị UBND cấp huyện và cấp tỉnh.
Các dạng tranh chấp đất đai phổ biến cập nhật mới nhất năm 2023
Tranh chấp về quyền sử dụng đất
- Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau;
- Tranh chấp về QSDĐ, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ li hôn giữa vợ và chồng
- Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác;
- Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.
Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng làm phát sinh tranh chấp. Thông thường có các loại tranh chấp sau:
- Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền SDĐ;
- Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng bào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì?Thông thường những tranh chấp này có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hỏa với đất thổ cư…trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất.
Thủ tục hòa giải trong tranh chấp đất đai
Hiện nay có tổng cộng 4 phương pháp để xử lý khi có tranh chấp đất đai xảy ra, bao gồm:
- Phương thức hòa giải
- Phương thức thương lượng
- Phương thức tố tụng
- Phương thức hành chính
Trong đó, hòa giải được xem là một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp theo hướng ôn hòa. Đây cũng chính là biện pháp phổ biến nhất hiện nay. Hòa giải cần có sự tham gia của bên thứ ba và thường được thực hiện sau khi thương lượng không có hiệu quả. Có 2 dạng hòa giải chính là hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng.
Hòa giải trong tố tụng
Hòa giải trong tố tụng là hình thức áp dụng tại Tòa án nhân dân khi có đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp đất đai. Với tư cách là cơ quan xét xử, TAND có nghĩa vụ tiến hành các biện pháp hòa giả trước. Nếu hòa giải thành, sẽ giải quyết tranh chấp bằng ôn hòa. Còn nếu hòa giải không thành, các biện pháp tư pháp – xét xử sẽ được thực hiện.
Mục đích của việc này là tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp ổn thỏa. Thẩm phán TAND sẽ là người chịu trách nhiệm trung gian cho việc hòa giải. Ngoài hòa giải, còn có biện pháp đối thoại áp dụng cho tranh chấp tố tụng hành chính.
Hòa giải ngoài tố tụng
Hòa giải ngoài tố tụng không được thực hiện bằng thủ tục tố tụng. Cụ thể, hòa giải ngoài tố tụng bao gồm 3 phương thức như sau:
- Hòa giải tiền tố tụng tại TAND: Phương thức này vẫn chưa được hệ thống hóa dưới dạng văn bản pháp luật. Và chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số nơi nhưng kết quả rất đáng để mong chờ. Đúng như tên gọi của mình, hòa giải sẽ được tiến hành trước khi tòa thụ lý đơn khởi kiện.
- Hòa giải tại UBND cấp xã: UBND cấp xã được xem là đơn vị có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các loại tranh chấp. Hòa giải sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, bản đồ địa chính hoặc quy hoạch.
- Hòa giải cơ sở: Hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai là không bắt buộc và được áp dụng cho các tranh chấp đơn giản. Phương thức này sẽ nhận được sự hỗ trợ của hòa giải viên và tổ hòa giải. Ngoài ra, Luật cũng khuyến khích người có uy tín trong gia đình và dòng họ tham gia để tăng tính khách quan.
Xét về tổng thể, hòa giải là một biện pháp khá hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra dù đã tiến hành hòa giải nhiều lần. Chính điều này đã vô tình khiến các tranh chấp thêm phần gay gắt và kéo dài.