Thủ tục mua bán đất và nhà ở có thực sự đơn giản là sự thỏa thuận và hợp đồng giữa người bán và người mua. Chính vì vậy, sau khi đã tìm hiểu vị trí, pháp lý của nhà/đất muốn mua, bạn cần nắm rõ thủ tục mua bán nhà đất để đảm bảo tính pháp lý và giá trị của bất động sản sắp sở hữu. Hãy cùng Sky Invest tìm hiểu kỹ trong bài viết dưới đây nhé!
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Xem chi tiết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Tại đây
Quy định về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở
Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013. Người sử dụng đất và nhà có quyền chuyển nhượng khi có đủ 4 điều kiện sau đây:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp nhận chuyển nhượng thì cần có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
- Đất không có tranh chấp
- Đất không thuộc trường hợp đang bị kê biên thi hành án
- Đất còn trong thời hạn sử dụng.
✔️✔️✔️Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên thì các chủ thể có thể tiến hành thủ thủ tục mua bán đất.
Thủ tục mua bán đất và nhà ở có sổ mới nhất 2023
Việc mua bán nhà đất nói chung là việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên sổ đỏ. Thủ tục mua bán nhà đất phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất Đai 2013).
Thông thường, thủ tục mua bán đất đai thường được thực hiện qua 3 bước:
- Đặt cọc
- Công chứng hợp đồng chuyển nhượng sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy chứng nhận mới.
Bước 1: Khi các bên đã bàn bạn thống nhất việc mua bán đất thì các bên có thể tiến hành hợp đồng đặt cọc.
Trước khi tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất, người mua có nghĩa vụ trả trước 1 khoản tiền để đảm bảo giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Quy định về việc đặt cọc được Chính phủ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 328 Bộ Luật dân sự 2015. Việc đặt cọc có không bắt buộc phải công chứng. Nhưng để hợp đồng đặt cọc có giá trị pháp lý nếu xảy ra tranh chấp thì nên công chứng rõ ràng.
- Nếu hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện, tiền cọc sẽ được trả lại cho người mua hoặc trừ vào tiền mua nhà đất.
- Nếu người mua đặt cọc nhưng không mua đất nữa thì tiền cọc sẽ thuộc về người bán
- Nếu người bán nhận cọc nhưng không bán đất nữa thì phải trả lại tiền cọc và cả khoản phí phạt cọc theo quy định.
Thông thường nội dung hợp đồng đặt cọc gồm các nội dung như sau:
- Đối tượng của hợp đồng (thông tin về quyền sử dụng đất, nhà ở); – Thời hạn đặt cọc;
- Giá chuyển nhượng (mặc dù chưa ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng các bên thường thỏa thuận giá chuyển nhượng nhà đất để tránh biến động);
- Mức đặt cọc;
- Quyền, nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc và bên đặt cọc;
- Phương thức giải quyết khi các bên có tranh chấp;
- Cam kết của các bên.
Hợp đồng đặt cọc hiện nay pháp luật cũng không quy định cần công chứng. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hoặc các rủi ro khác thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực hoặc có người làm chứng để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng.
Bước 2: Công chứng hợp đồng mua bán đất tại phòng công chứng
Các bên sau khi đặt cọc hoặc không thỏa thuận đặt cọc thì sẽ tiến hành công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng của Nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi có đất.Các bên cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các giấy tờ đầy đủ theo quy định.
- Bên bán: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của cả vợ và chồng và còn hạn sử dụng); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân hoặc hợp đồng ủy quyền (nếu bán thay người khác)
- Bên mua: Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của cả vợ và chồng và còn hạn sử dụng); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp và công chứng tại tồ chức công chứng. Cơ quan công chứng có nghĩa vụ tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ trong vòng 3 ngày. Trong thời gian này, cơ quan có thẩm quyền ra thông báo việc bổ sung hồ sơ (nếu có). Đồng thời thông báo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho người yêu cầu chuyển nhượng.
Bước 3: Kê khai nghĩa vụ tài chính theo quy định khi tiến hành thủ tục mua bán đất và nhận giấy chứng nhận mới
Tùy vào thỏa thuận các bên để xác định bên mua hay bên bán là người nộp thuế.
- Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực..
- Nếu bên mua đất chịu thuế thì thời gian kê khai thuế chậm nhất tính từ thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất.
Bên yêu cầu chuyển nhượng sau khi nhận được thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính phải đóng phí công chứng và thuế tại cơ quan thuế và gửi biên lai cho văn phòng công chứng đất đai.
Các khoản phí bao gồm:
- Lệ phí trước bạ: Lệ phí trước bạ phải nộp bằng 0.5% giá trị chuyển nhượng.
- Thuế thu nhập cá nhân: Thuế phải nộp bằng 2% giá trị chuyển nhượng.
- Phí thẩm định hồ sơ (Mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định).
Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và phí công chứng, chủ sử dụng đất nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới theo thời gian ghi trên phiếu hẹn.
Đất trong quy hoạch có được phép chuyển nhượng? Thủ tục chuyển nhượng đất thuộc quy hoạch như thế nào?
Để biết thửa đất có thuộc quy hoạch hay không, người dân có các cách kiểm tra như sau:
- Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã.
- Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
- Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin.
- Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp nếu đất của bạn muốn mua nằm trong diện quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013 (sửa bổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018). Theo đó, đất nằm trong diện quy hoạch sẽ có 2 trường hợp sau:
Có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện
Trường hợp đất thuộc diện quy hoạch và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất phải chấp nhận việc chuyển mục đích sử dụng đất và nhận quyết định thu hồi đất theo kế hoạch.
Trước thời gian thu hồi, bạn vẫn được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm.
Đất không nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện
Nếu đất nằm trong quy hoạch đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì bạn được phép chuyển nhượng và thực hiện các quyền như: Tặng, cho, thừa kế, chuyển nhượng…
Tuy nhiên, nếu đất thuộc diện quy hoạch thường giá bồi thường sẽ thấp hơn nhiều so với giá mua. Đồng thời nếu bạn làm thủ tục công chứng thì xác suất được chấp nhận là rất thấp. Các công chứng viên sẽ từ chối làm giải quyết thủ tục sang tên cho đất quy hoạch.